Lấy bối cảnh cuộc chiến thế giới thứ hai làm nền cho câu truyện, Soldiers: Heroes of WWII (SHW2) có lối chơi theo kiểu "Squad-based strategy" (chiến thuật nhóm) tương tự như dòng game Commandos lừng danh. Người chơi được giao điều khiển một nhóm biệt kích nhỏ cùng với nhiệm vụ dẫn dắt nhóm quân khiêm tốn này hoàn thành các sứ mạng được giao trong suốt gần 30 màn chơi, trải dài trên 4 chiến dịch khác nhau dành cho phần chơi đơn: Liên Xô (cũ), Anh, Mỹ và Đức.

Các nhiệm vụ có thể là phòng thủ chống trả, phục kích, tấn công hay lấy cắp một bí mật quân sự nào đó. Cũng như Commandos, trò chơi cho phép bạn tương tác với bất kỳ vật thể nào có mặt trong màn chơi, từ việc thu lượm những món đồ "rơi rớt" trên đường, trong các thùng gỗ hay xác chết, cho tới việc sử dụng tất cả các loại khí tài như tăng, xe tải, ụ súng máy, súng phòng không...

Không chỉ vậy, người chơi còn có thể tận dụng các công trình, địa hình khác nhau để làm nơi ẩn nấp hay tạo lợi thế cho mình trong các cuộc giao tranh. Bên cạnh đó, một khi đã kết thúc phần chơi chiến dịch (hoặc đã "chán chê" với nó!), SHW2 còn có thêm mục chơi Bonus với các màn độc lập mà bạn có thể "action" ngay bất kỳ lúc nào thích, mà không cần phải theo tuần tự như trong phần chiến dịch. Ngoài ra, mục chơi mạng với chế độ Co-op, sẽ thỏa mãn những gamer yêu thích kiểu "nội dung chơi đơn ***g trong chơi mạng" (Hiện SHW2 đã có bản cập nhật mới nhất dành cho phần mạng với nhiều kiểu chơi mới như Deathmatch, Assault, King of the Hill, Victory Points và Escort, với dung lượng khá lớn: 160 MB).

Nhận định

28 màn chơi (gồm 21 màn chính + 7 màn thưởng), là một con số vừa đủ so với "chuẩn" của dạng chơi chiến thuật nhóm mà SHW2 mang lại. Nếu so sánh với loạt game Commandos ở mặt "bên ngoài", thì trò chơi này nhỉnh hơn một chút về số lượng màn. Thế nhưng khi xét "bên trong" thì SHW2 lại ngắn hơn và thật sự chưa "đã" đối với các gamer.

Tại sao? Vì trò chơi tuy có 4 chiến dịch nhưng chúng lại rời rạc và mỗi chiến dịch chỉ có từ 5 tới 7 màn dài ngắn khác nhau nên không tạo được cảm giác liên tục về mặt nội dung (dù có chung một bối cảnh), trong khi Commandos lại là một "khối" liền lạc từ đầu tới cuối. Chính vì điều này, khi chơi bạn có cảm giác bị "hụt" và luyến tiếc mỗi khi hoàn tất một chiến dịch.

Ngoài khả năng phân bố màn của game có phần "yếu", thì lối chơi theo dạng chiến thuật nhóm của SHW2 chưa vững chắc. Theo nhận xét riêng, tất cả các nhân vật mà bạn điều khiển đều có kỹ năng như nhau, không có sự khác biệt rõ rệt như trong Commandos. Chính vì vậy trong quá trình chơi, bạn thường chỉ sử dụng một nhân vật để làm nhiệm vụ thay vì chơi cả nhóm.

Do đó sự thú vị của trò chơi phần nào bị vơi đi. Một điểm đáng phàn nàn khác là phần hướng dẫn chơi ban đầu. Theo lệ thường, các câu thoại hướng dẫn cũng như nhiệm vụ đều được lưu lại để người chơi có thể xem lại. Phần hướng dẫn của SHW2 lại thiếu chức năng này, nên đôi lúc lỡ tay nhấn qua thì bạn đành phải tự "mò" hoặc chơi lại màn huấn luyện đó.

Bù lại những phàn nàn kể trên, điểm mạnh trong cách chơi của SHW2 mà tôi đánh giá rất cao chính là khả năng tương tác với môi trường và các đối tượng rất tốt (hơn cả Commandos - NV): từ những tình huống nhỏ nhặt nhất như xe chạy cán gãy cây, làm sụp các công trình... cho tới thể hiện sức ép lên một vật thể làm nó bắn tung lên không trung, hay tùy vào độ cứng của chiếc xe tăng mà từng mảnh giáp của nó khi bị bắn trúng sẽ văng từng mảnh. Rất thật và tinh tế đến từng chi tiết, hầu như có rất ít game cùng loại có thể bì được với SHW2 về mặt này.

Một ưu điểm khác trong SHW2 chính là những món đồ mà nhân vật lấy được ở màn trước sẽ đem theo qua màn sau ở đa phần các màn chơi. Vì vậy bạn phải cân nhắc kỹ những gì sẽ mang theo, vì nó sẽ tạo ưu thế cho hành động trong màn kế tiếp, bằng không những trận đánh sẽ khó khăn và bất lợi hơn rất nhiều.

ĐỘ KHÓ: Không tính đến chế độ Easy, cả hai chế độ còn lại là Normal và Hard đầy khó khăn và thử thách trong hầu hết màn chơi. Trong số bốn chiến dịch của game, chơi bên phe Đức là "dễ thở" nhất vì phần lớn các màn thiên về đấu tăng, ắt hẳn bạn cũng đã biết xe tăng của Đức hầu như không có đối thủ trên chiến trường (cho mãi đến khi Liên Xô giải mã được bí mật cấu tạo thép của xe tăng vào nửa cuối cuộc chiến tranh), trong SHW2 cũng vậy.

Để hạ một chiếc xe tăng hạng nặng bên Đức, nhiều khi phải huy động khoảng 4 hoặc 5 chiếc tăng cộng với sự hỗ trợ tối đa của bộ binh. Trong khi đó, chơi bên phe Liên Xô là "khó nuốt" nhất, vì đa phần nhiệm vụ đều sử dụng bộ binh là chính, các màn chơi của phe này thường khá "căng" do lính hoạt động rất tích cực.

Khi chưa cài bản sửa lỗi (patch 1.12.2), hầu như độ khó các màn chơi (của toàn bộ game) không tưởng tượng được, người chơi phải nhích từng "xăng ti mét" trong việc thực hiện nhiệm vụ. Sau khi đã cập nhật, mức độ có giảm xuống đôi chút nhưng vẫn còn khá khó. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ khó trong SHW2 như: các màn về sau càng rộng với lính dày đặc khắp nơi, đa phần hành động của người chơi là "action" trực diện thay vì "lén lút" như Commandos, hay có khá nhiều lỗi vụn vặt xuất hiện "cản trở" tiến trình chơi... Tuy nhiên, "đầu mối" chủ chốt, ảnh hưởng đáng kể nhất đến game chính là trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng mô phỏng.

Với nhịp game khá nhanh, người chơi cần phải xoay trở thật lẹ. Tuy nhiên, do chế độ mô phỏng của trò chơi được thực hiện quá kỹ nên có một số hành động nhân vật xoay trở chậm, không kịp đáp ứng mệnh lệnh. Điều này đôi khi gây bực mình và làm hỏng tiến trình.

Một ví dụ dễ thấy nhất là khi bạn sử dụng chế độ "ép" bắn, nhân vật xoay hướng rất chậm mà đối phương thì "ùa" vào cùng lúc và hành động chớp nhoáng làm bạn trở tay không kịp. Hoặc khi leo lên chiếm một chiếc xe, các nhân vật phải loay hoay với những động tác chậm chạp khiến cho bạn "sốt cả ruột", trong khi đối phương đang tiến lại rất gần.

Mặt ảnh hưởng lớn thứ hai chính là AI của game. Nhìn chung phản ứng của máy rất tốt và linh hoạt, chính điều này mang lại khả năng thách thức khá cao cho người chơi. Khi thấy nghi ngờ một chỗ nào đó, chúng sẽ huy động mọi lực lượng (bộ binh, ụ súng, tăng, thiết giáp...) và tiến hành dò xét, đôi lúc xả súng hay quăng lựu đạn lung tung trong khu vực đó hòng "moi" được đối tượng ra khỏi vị trí.

Tôi để ý nếu một hiện tượng được lặp lại hai lần cùng một chỗ (chẳng hạn quăng lựu đạn) thì chúng sẽ đồng loạt ập vào cùng lúc làm người chơi trở tay không kịp, rất hay! Tuy vậy AI cũng có khiếm khuyết, đó là nhiều lúc máy lại "làm ngơ" trước những sự kiện như các vụ nổ, tiếng súng... nhờ "kẽ hở" này mà người chơi có thể tận dụng triệt để kế hoạch hành động trực diện mà không sợ bị máy "dập".

NHỮNG LỖI TRÒ CHƠI: Rất nhiều lỗi linh tinh đã xảy ra trong quá trình chơi, phần lớn là những lỗi khá ngớ ngẩn. Chẳng hạn khả năng tìm đường (pathfinding) của nhân vật: đôi lúc chúng tỏ ra bối rối không biết đi sao cho đúng. Ví dụ điển hình nhất của lỗi này là khi tìm đường đi qua một nơi có đống lửa, thường máy sẽ chọn cách "tối ưu" là... băng qua ngọn lửa, thay vì đi vòng. Vài chi tiết mô phỏng trong game chưa được thật: khi cầm những loại súng lớn leo lên xe thì nhân vật chắc chắn sẽ quăng súng lại thay vì tự đeo hay bỏ vào ngăn chứa đồ.

Thỉnh thoảng trong lúc chơi, bạn còn bắt gặp một số hiện tượng lạ như khi "save" thì có lính chạy tới, đến lúc "load" lại đám lính sẽ... biến mất coi như không có chuyện gì xảy ra, hoặc ngược lại khi không có chuyện gì thì đám lính lại bắn xối xả về phía người chơi dù không phát hiện. Cuối cùng, dù đã có bản patch sửa lỗi, vẫn còn "sót" lại hiện tượng lúc đổi vũ khí, nhân vật sẽ đứng dậy làm lộ điểm ẩn nấp (trong khi việc lấy đồ trên người hay các hộp vẫn bình thường).

HÌNH ẢNH: SHW2 đạt điểm cao về mặt hình ảnh không chỉ ở những khung cảnh rộng lớn được thực hiện rất chi tiết với vô số đối tượng lớn nhỏ khác nhau, mà còn nằm ở những hiệu ứng bắt mắt, tuyệt vời. Nhờ có thêm nó mà độ thật trong trò chơi được nâng cao, thuyết phục hơn. Bạn có thể bắt gặp những vệt nước rẽ khi một chiếc xe lội qua, hay những vệt bánh xích kéo dài của một chiếc tăng nào đó để lại.

Ứng dụng ấn tượng nhất, theo người viết, chính là các vụ nổ trông rất bắt mắt và thật: từng mảnh vụn của vật thể văng tứ phía hoặc móp méo biến dạng. Tính đến thời điểm hiện tại thì chỉ có Codename: Panzers của Stormregion là đối thủ "xứng tầm" về mặt hình ảnh và hiệu ứng.

Tuy vậy, với một cơ chế đồ họa khá nặng nề (phần lớn do trò chơi có quá nhiều vật thể phải xử lý trong cùng lúc), nhiều hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra khi chơi lâu. Đầu tiên là game đưa ra lời cảnh báo "nhẹ nhàng": ngốn sạch RAM và bộ nhớ ảo.


Kế đến nếu người chơi "ngoan cố" không chịu khởi động lại máy, thì các lỗi sẽ bắt đầu "nhảy xổ" ra. Bản thân người viết gặp hai lỗi sau trong quá trình chơi: màn hình nhấp nháy, tất cả các đối tượng (trừ các nhân vật) đều biến thành một màu đen, lúc ẩn lúc hiện. Đôi lúc xảy ra hiện tượng bàn phím bị treo "cứng ngắc".

Cuối cùng, để có thể chơi SHW2 một cách "nhẹ nhàng", chí ít bạn cũng phải có một cấu hình máy theo mức đề nghị của game trở lên. Vì với một cấu hình thử nghiệm tương đương như vậy, người viết đã không ít lần "trầy trật" với những cảnh lớn có nhiều đối tượng và mỗi lần thất bại là mỗi lần phải dài cổ chờ game "load".

GIAO DIỆN VÀ ĐIỀU KHIỂN: SHW2 có giao diện khá giống với Commandos, từ việc sắp xếp bản đồ cho tới chuyển đổi đồ qua lại giữa các ngăn chứa. Tiến bộ hơn một chút là thông tin chi tiết hơn, người chơi dễ dàng quan sát được tình trạng của đối tượng (nhân vật và xe) mà mình điều khiển như số lượng đạn dược, sức khỏe, sử dụng loại vũ khí chính hay phụ...

Về phần điều khiển, tuy bạn có thể phóng to, thu nhỏ, xoay cảnh 360 độ một cách tự do để tiện quan sát, nhưng do việc phóng to, thu nhỏ chỉ có hai mức không thể nhìn cận cảnh, thêm vào đó các màn chơi thường có quá nhiều vật thể làm cho bạn rối mắt, không dễ dàng quan sát được diễn tiến bên trong một công trình rõ ràng, điển hình là các tên lính nấp bên trong. Chính vì vậy, việc có thêm phím tắt giúp người chơi thấy các nhân vật ẩn là cần thiết, nhưng thật tiếc trò chơi lại không có và bạn phải dựa hoàn toàn vào việc quan sát bản đồ khá bất tiện.

ÂM THANH: Phần nhạc nền của trò chơi tạo được cảm giác hồi hộp, căng thẳng nhưng thường có tiết tấu trùng lắp, dễ tạo sự nhàm chán. Ở một số màn, sự lặp lại này còn gây "tác dụng ngược" làm cho người chơi nhức đầu. Phần nhạc hay nhất trong game thuộc về phe Đức (nhất là bản nhạc menu).

Về giọng nói, game thể hiện được nét đặc trưng của từng dân tộc thông qua giọng đọc lời bình cũng như của các nhân vật khác nhau, dù chủ yếu là dùng Anh ngữ nhiều hơn tiếng bản xứ. Chẳng hạn cách phát âm tiếng Anh của người Nga nghe lơ lớ. Nhưng điểm dở của phần này (giống nhạc nền) là câu thoại của các nhân vật lặp lại, ít đa dạng như trong Commandos. Các phần âm thanh còn lại như tiếng súng, các vụ nổ hay thậm chí cả tiếng lửa cháy tí tách được thực hiện khá kỹ, không có gì phải phàn nàn.

Lời kết

Nếu không vướng phải những "bug" vụn vặt trong suốt quá trình chơi cùng một cơ chế đồ họa nặng nề, Soldiers: Heroes of WWII sẽ là một trò chơi rất hay, có thể sánh ngang hoặc nhỉnh hơn Commandos. Đáng tiếc là game lại "dính" vào những khiếm khuyết đó, kéo trò chơi chỉ dừng ở mức khá. Tuy vậy, các lỗi này chỉ là những thứ nhỏ nhặt, chắc chắn sẽ không cản trở được niềm đam mê của bạn nếu đã yêu thích lối chơi của Commandos.



Cấu hình yêu cầu:
Hệ điều hành: 98/2000/ME/XP/7
CPU xử lý: Pentium III 1GHz
RAM: 256 MB
Video Card Memory: 32 MB
HDD: 2GB
Hỗ trợ: DirectX : v9.0



http://up.4share.vn/d/6153525557585851



Link xem Youtube: https://youtube.com/watch?v=8OF0gtLe8-0